Ai tham gia đầu tư cũng sẽ mong muốn mình đầu tư có lãi, mong muốn ấy là điều rất bình thường và vô cùng chính đáng đối với mỗi người nhưng thực tế không phải ai tham gia đầu tư cũng có lãi mà đa phần họ đều bị thua lỗ, ngậm ngùi rời bỏ thị trường với nhiều cay đắng.
Với các nhà đầu tư chứng khoán, khi tài khoản có lãi họ lại bị một thế lực nào đó vô hình thôi thúc phải bán ra ngay để chốt lời ở mức 5%, 10% nhưng khi tài khoản của họ bị lỗ họ nghĩ rằng điều đó chỉ là tạm thời, họ kỳ vọng giá sẽ tăng cao trở lại. Tâm lý đó lý giải tại sao có nhiều nhà đầu tư bị thua lỗ rất sâu, có trường hợp lỗ 50-70% thậm chí là cháy tài khoản nhưng nếu lãi lại được rất ít.
Đầu tư chứng khoán là một hành trình cảm xúc, là cuộc đấu trí giữa người mua và người bán nếu bị cảm xúc chi phối bạn sẽ thua nhiều hơn thắng. Trong khi đó, nguyên tắc giao dịch là bất biến là kim chỉ nam dẫn bạn đến thành công. Trong hàng ngàn nhà đầu tư đang có cảm xúc hỗn loạn họ sẽ đưa ra hàng hàng ngàn quyết định sai lầm và bạn nên là một trong số ít các nhà đầu tư học cách đề ra nguyên tắc đầu tư của riêng mình. Các nguyên tắc cơ bản trong đầu tư sẽ được áp dụng ở bất kỳ kênh đầu tư nào kể cả trong lĩnh vực chứng khoán.
Phương pháp mua quan trọng hơn thị trường
Khi bạn có Phương pháp tốt bạn sẽ giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực của thị trường, chúng ta không thể dự đoán luôn luôn chính xác xu hướng của thị trường chung hay giá của một mã cổ phiếu nào đó, có thể ở một thời điểm nào đó dựa trên những phân tích, tìm hiểu bạn đã đưa ra nhiều nhận định đúng, bạn kiếm được tiền nhưng bạn có đảm bảo bạn sẽ không phạm sai lầm? Thị trường không phụ thuộc vào một hay hai điều kiện nhất định mà có vố số những nguyên nhân có thể tác động khiến thị trường biến thiên liên tục. Bạn càng quen với việc dự đoán bạn càng dễ mắc sai lầm và khi ấy thị trường sẽ nhấn chìm bạn.
Bạn cần có nguyên tắc giao dịch của riêng mình và nguyên tắc đầu tư của Johnny là hạn chế tối đa những sai lầm có thể mắc phải.
Sai lầm thứ nhất: Chỉ mua vào một lần duy nhất
Việc này cũng giống như bạn tham gia vào một trò may rủi, bạn nhắm mắt chọn và cầu mong thần may mắn sẽ đến với bạn. Nếu là một khoản tiền nhỏ bạn sẽ mặc kệ nó và không quan tâm gì nhiều vì có mất hết thì cũng không ảnh hưởng đến kinh tế của bạn. Nhưng nếu là một món tiền lớn là khoản tiền bạn đi vay mượn được hoặc bạn đã tích góp trong thời gian dài thì thực sự bạn đang rất mạo hiểm đó.
Một điều chắc chắn rằng không ai có thể mua chính xác giá đáy và bán chính xác tại giá đỉnh, bạn chỉ có thể xác định được vùng giá thấp an toàn và vùng giá cao nhiều rủi ro khi tham gia đầu tư chứng khoán, bạn có thể mua được giá tốt nhưng chắc chắn vẫn sẽ có giá tốt hơn nữa trước khi giá cổ phiếu tăng vọt hoặc đen đủi thay bạn vừa mua xong thì giá đột nhiên giảm mạnh. Khi ấy bạn có thể làm gì?
Nếu bạn chỉ mua một lần duy nhất chắc chắn bạn chỉ có thể ngồi chờ, chờ hòa vốn…Bởi khi thua lỗ, điều mà một mà nhà đầu tư chứng khoán nghiệp dư sẽ nghĩ đến đầu tiên đó là hối hận và hy vọng giá sẽ tăng trở lại, chỉ cần không lỗ là được. Chắc chắn rồi, bạn đã all in tất cả tiền bạn có vào một thời điểm duy nhất, bạn sẽ không thể làm gì khác ngoài thấp thỏm chờ mong. Có những trường hợp sự chờ đợi đó cũng nhanh thôi nhưng có nhiều trường hợp thời gian chờ đợi tính bằng năm thì giá cổ phiếu mới về vùng giá họ đã mua.
Sai lầm thứ hai: Mua full chỉ một mã cổ phiếu duy nhất
Bỏ tất cả trứng vào một giỏ là một bài học kinh điển mà nhiều chuyên gia đầu tư đã nhắc đến và chắc chắn cần được nhắc lại và nhấn mạnh trong trang Blog của Johnny.
Nhiều nhà đầu tư có cảm tình và yêu thích một mã cổ phiếu nào đó y như người yêu của mình vậy, họ sẵn sàng chỉ mua/bán một mã cổ phiếu duy nhất và không quan tâm đến phần còn lại của thị trường. Hoặc họ muốn lãi nhanh, lãi nhiều thì họ cũng có thể chỉ mua full một mã cổ phiếu duy nhất, đó là Phương pháp đầu tư của họ và Johnny tôn trọng điều đó bởi trong một vài điều kiện phù hợp thì tập trung nguồn lực vào một hướng duy nhất sẽ mang đến hiệu quả bất ngờ nhưng tôi phải nhấn mạnh rằng rủi ro luôn hiện hữu và bạn không thể biết chắc chắn khi nào mình gặp rủi ro, bạn chỉ có thể đề phòng rủi ro mà thôi.
Blog của Johnny coi trọng việc bảo toàn nguồn vốn đầu tư là trên hết sau đó mới đến việc gia tăng lợi nhuận. Một cổ phiếu đại diện cho một doanh nghiệp và sức khỏe của doanh nghiệp cũng giống như sức khỏe của một con người, bạn không thể nào khỏe mãi được sẽ có lúc bạn đau ốm và khi ấy bạn sẽ trở nên yếu đuối, việc bạn đầu tư vào một mã cổ phiếu khi sức khỏe yếu dù chỉ tạm thời cũng sẽ khiến bạn bỏ lỡ những cổ phiếu đang trong tình trạng khỏe mạnh khác. Đó là chi phí cơ hội! Chưa tính đến việc sức khỏe của doanh nghiệp đó sẽ không thể hồi phục được thì sao, nếu là như vậy thì bạn có thể sẽ mất hết tất cả những gì bạn có.
Sai lầm thứ ba: Mua vì sợ bỏ lỡ
Người ta thường gọi trạng thái tâm lý này là Fomo, tâm lý này rất hay gặp trong quá trình đầu tư chứng khoán, khi bạn bỏ lỡ điểm mua và giá cổ phiếu cứ thế tăng lên bạn sẽ rất tiếc nuối, trong khi người khác vui cười hạnh phúc vì mua được cổ phiếu đó thì bạn lại không, ban đầu bạn sẽ buồn khi họ lãi 5-10% nhưng sau đó là sự ganh tỵ khi họ lãi lên 20-30% và cuối cùng là thèm muốn khi họ nhân đôi tài khoản. Bạn sẽ mua vào vì cảm xúc của bạn không thể trì hoãn được nữa, bạn cũng muốn giống như họ bạn không muốn bị bỏ rơi trên chuyến tàu hạnh phúc được.
Đây là trạng thái tâm lý nguy hiểm nhất trong đầu tư chứng khoán, một bẫy tâm lý hoàn hảo bởi vì người ta thường tiếc nuối và nhớ mãi về một thứ mà họ chưa kịp chạm tay vào, cơ hội xuất hiện trước mắt bạn nhưng vội vụt qua nhanh chóng và bạn sẽ luôn ở trạng thái tiếc nuối đó, ngó lơ mọi cơ hội đầu tư khác. Khi bạn kịp nhận ra sai lầm thì đã quá muộn, sai lầm này luôn phải trả giá bằng tiền.
Sai lầm thứ tư: Chưa lỗ thực sự nếu chưa bán
Sai lầm này cố hữu nhiều năm trên thị trường chứng khoán rồi, trong nhiều trường hợp thì nhà đầu tư có thể đúng nếu:
- Cổ phiếu họ nắm giữ là một doanh nghiệp tốt đầy tiềm năng
- Tiền họ đầu tư là tiền họ tích lũy được
- Họ không dùng đến khoản tiền này trong một thời gian dài nữa.
Nhưng không phải ai khi tham gia đầu tư cũng đáp ứng được các điều kiện trên vì vậy Phương án cắt lỗ trong giới hạn vẫn là biện pháp an toàn nhất đối với nhà đầu tư chứng khoán.
Thị trường quan trọng hơn điểm mua
Bạn không nghe nhầm đâu, trọng điểm thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh đó là sức khỏe của thị trường chung. Nếu bạn đã có Phương pháp đầu tư tốt bạn có thể mua ở bất kỳ thời điểm nào mà bạn muốn và nếu thị trường đang tốt nữa thì phần trăm chiến thắng của bạn càng cao. Sức khỏe của thị trường tốt vô tình làm giảm đáng kể thiệt hại từ những sai lầm khi mua.
Giả sử, bạn chót mua Fomo giá cao, không sao thị trường tốt sẽ giúp bạn không bị thua lỗ nhưng bạn cần biết được khi nào bạn nên rời đi. Khi thị trường tốt sẽ tạo nên một hiệu ứng tâm lý chung của sự lạc quan, ngay cả những mã cổ phiếu của một doanh nghiệp yếu kém cũng có thể tăng vọt khi gặp thị trường thuận lợi. Điều mà Johnny lo sợ nhất khi ấy là nhiều người sẽ ngủ quên trên chiến thắng, họ thấy kiếm tiền từ đầu tư chứng khoán dễ dàng quá nên quên hết nguyên tắc đầu tư mà họ đã đặt ra ngay từ đầu.
Phương pháp mua của Johnny về cơ bản là loại bỏ những sai lầm trong đầu tư để hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy đến, qua đó sẽ giúp hành trình đầu tư của bạn được bền vững hơn, chắc chắn không phải tất cả mọi người đều sẽ đồng quan điểm với Johnny bởi mỗi nhà đầu tư lâu năm trên thị trường đều sẽ có những Phương pháp đầu tư hiệu quả của riêng mình và Johnny rất tôn trọng điều đó.
Cảm ơn các bạn đã đồng hành cùng Johnny trên hành trình trinh phục thị trường chứng khoán.
Be smile & Be love
Johnny Hoang Dung